Y học cổ truyền đóng góp được gì trong phòng chống COVID-19

Y học cổ truyền đã phát huy được hiệu quả tròng phòng ngừa và điều trị trong dịch COVID-19 ở Trung Quốc vừa qua

Vì sao COVID-19 nguy hiểm với người bị tiểu đường, tim mạch, hen suyễn?

Mùa dịch Covid-19: Đừng tự "giết mình" bằng sự sợ hãi, kỳ thị

10 lý do không nên hoảng hốt vì Covid-19

Vì sao người cao tuổi dễ mắc COVID-19?

Sau nhiều chần chừ, do dự, đắn đo và tranh luận, cuối cùng thì ngày 12/3/2020, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã phải công bố trong cuộc họp báo tại trụ sở ở Geneva, Thụy Sỹ: “Trong 2 tuần vừa qua, số lượng ca nhiễm bên ngoài Trung Quốc đã tăng gấp 13 lần và số quốc gia bị ảnh hưởng đã tăng gấp 3 lần” và “Trong những ngày và tuần tới, chúng tôi dự đoán số lượng ca nhiễm, ca tử vong và số quốc gia bị ảnh hưởng sẽ còn tăng thêm”. Lần đầu tiên trong hơn hai tháng rưỡi kể từ khi dịch Corona virus bùng phát từ Vũ Hán, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới phải sử dụng thuật ngữ “đại dịch” (pandemic) nhưng vẫn cố trấn an các nguyên thủ quốc gia và giới chức y tế rằng: “Tất cả các nước vẫn có thể thay đổi diễn biến của đại dịch này”.
Cuộc chạy đua phát triển vaccine và thuốc hóa dược
Cuộc chạy đua tìm ra các vaccine và các thuốc hóa dược để chống lại virus corona chủng mới đã được khởi động từ rất sớm khi dịch mới bùng phát ở Vũ Hán và sau đó lan ra khắp đất nước đông dân nhất thế giới này và đến nay khắp hơn ¾ các quốc gia và vùng lãnh thổ trên địa cầu. Đây là cơ hội để các Tập đoàn dược phẩm đa quốc gia, một mặt sáng chế các vaccine và thuốc mới đáp ứng nhu cầu phòng bệnh và chữa trị cho hàng chục triệu đến hàng trăm triệu người và mặt khác đồng thời cũng là nguồn lợi nhuận khổng lồ nếu các vaccine và thuốc mới thành công.
Vaccine ngừa COVID-19 đã được thử nghiệm trên người (ảnh businessinsider)
Hơn nữa, trong điều kiện “nước sôi lửa bỏng” của một đại dịch toàn cầu, nhiều tập đoàn dược phẩm cũng hy vọng quy trình thử nghiệm thuốc cực kỳ khắt khe, tốn nhiều thời gian, tiền của và công sức sẽ được Cơ quan quản lý dược nhiều nước nới lỏng do nhu cầu cấp bách của thuốc men. Mark Feinberg, Chủ tịch đồng thời là Tổng Giám Đốc của Tổ chức “Sáng kiến quốc tế vaccine cho bệnh AIDS”, phát biểu: “Thông thường để phát triển một loại vaccine phải mất từ 15 đến 20 năm” và “Khi bạn muốn có một vaccine trong khoảng từ 1 năm đến 1 năm rưỡi, bạn phải có cách tiếp cận mới”. Feinberg cũng từng là nhà khoa học trưởng Phân ban vaccine của Tập đoàn dược phẩm Merck trong đại dịch Ebola, khi Tập đoàn này phát triển vaccine Ervebo đã được cấp phép [1]. Cách “tiếp cận mới” mà Feinberg nhắc đến trên đây có “ngụ ý” là trong quá trình nghiên cứu phát triển vaccine có thể phải bỏ qua giai đoạn thử độc tính và hiệu lực trên động vật thí nghiệm (thông thường là chuột) nghĩa là bỏ qua pha I và pha II để thử trực tiếp trên người tình nguyện (pha III) và sau đó trên bệnh nhân (pha IV).
Mặc dù công nhận tính cấp bách của việc phát triển các vaccine và thuốc mới, nhưng cũng có nhiều nhà khoa học và y học bày tỏ lo ngại rằng, trong tình hình của một đại dịch toàn cầu, việc nới lỏng những quy định về quy trình thử nghiệm vaccine và thuốc mới có thể vi phạm y đức và luật pháp, đồng thời có thể gây ra nhiều hậu quả không lường trước được đối với sức khỏe người bệnh. 
Trước thông tin một số nhà nghiên cứu ở Seattle chuẩn bị thử nghiệm lâm sàng một vaccine chữa coronavirus trên người nhưng bỏ qua khâu thử nghiệm trên động vật, Karen Maschke, một nhà đạo đức sinh học và là biên tập viên của Tạp chí Ethics & Human Research phát biểu: “Nếu những thí nghiệm trên động vật không có tác dụng thì các thử nghiệm lâm sàng trên người nên được dừng lại. Ngay cả các kết quả thử nghiệm trên động vật cũng không chính xác hoàn toàn khi thử nghiệm trên người” [2]. Giáo sư Holly Fernandes (Đại học Pennsylvania) cho rằng: “Chúng ta không nên quá ảo tưởng về việc bỏ qua các bước có thể giúp chúng ta có vaccine điều trị Corona virus vào tuần sau hoặc tháng sau”.
Trung Quốc đã kết hợp Trung - Tây y trong nỗ lực cứu chữa cho hàng trăm nghìn bệnh nhân tại Vũ Hán
Y học cổ truyền có thể đóng góp được gì cho phòng chống COVID-19?
Trong bối cảnh y học hiện đại đang lúng túng trong việc phát triển vaccine và thuốc hóa dược mới để ngăn chặn dịch Covid-19, ngay từ đầu công cuộc chiến đấu chống lại dịch coronavirus bùng phát tại Vũ Hán, Trung Quốc đã quyết định kết hợp Trung y và Tây y trong nỗ lực cứu chữa cho hàng trăm ngàn bệnh nhân và phòng bệnh cho hàng chục triệu người. Điều này dựa trên chính sách nhất quán của Chính phủ Trung Quốc về kết hợp hai nền y học Trung y và Tây y trong chăm sóc sức khỏe nhân dân và mặt khác dựa trên kết quả của chính sách này trong đại dịch SARS năm 2002 ở Trung Quốc và Hong Kong. Những kết quả kết hợp Trung y và y học hiện đại trong đại dịch SARS đã ấn tượng đến mức vào năm 2003, WHO tổ chức một Hội nghị các chuyên gia của WHO về chủ đề “Đánh giá và phân tích các báo cáo lâm sàng về kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại để điều trị SARS” (Bắc Kinh, 8 - 10/10/2003). Các báo cáo lâm sàng trình bày tại Hội nghị là các nghiên cứu trường hợp bệnh chứng có kiểm soát (case controlled study), các công trình tiền cứu lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên (prospective cohort study) và các công trình tiền cứu lâm sàng có kiểm soát không ngẫu nhiên (prospective non-randomised controlled trials) [3].
Leung PP. C. đã nghiên cứu tổng quan khoảng 130 công bố khoa học trong đó có 90 công bố có chất lượng của Trung Quốc sau khủng hoảng SARS và cho biết: Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Trung Quốc (Chinese Center for Disease Control and Prevention) đã cho kết hợp Trung y với các phương pháp điều trị Tây y hiện đại nhất trên khoảng 60% bệnh nhân nhiễm SARS. Phân tích kết quả nghiên cứu tác giả nhận thấy việc kết hợp điều trị Tây y với Trung y cho các kết quả tích cực: kiểm soát được tình trạng sốt (hạ sốt), giảm nhiễm khuẩn phổi nhanh hơn và ít phải sử dụng các thuốc steroid hơn. Các triệu chứng khác đi kèm thuyên giảm nhanh hơn [4].
Trung y cũng được sử dụng để phòng ngừa và kiểm soát Covid-19 tại tuyến y tế cơ sở của Trung Quốc
Trong đại dịch Covid-19 lần này Trung Quốc vẫn áp dụng nhất quán chính sách kết hợp Trung y và y học hiện đại. 
Với tựa đề “Trung Quốc sử dụng nền y học cổ truyền 3.000 năm lịch sử cho bệnh nhân Covid”, New Straits Times (Singapore) ngày 1/3/2020 dẫn tin của Hãng Bloomberg (18/2/2020) cho biết, theo công bố của Giám đốc Y tế Hồ Bắc các bệnh viện ở Vũ Hán đã kết hợp Trung y với y học hiện đại để điều trị trên 50% bệnh nhân nhiễm Covid-19 và đã thu được một số kết quả tích cực. Khoảng 2.200 bác sỹ và chuyên gia Trung y hàng đầu đã được điều tới Hồ Bắc để nghiên cứu và điều trị bệnh nhân.
Theo Economic Times, Wang Heseng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban y tế quốc gia Trung Quốc đã tuyên bố: “Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Chính phủ Trung Quốc đã nêu bật tầm quan trọng của kết hợp Trung y và Tây y, huy động những cơ quan nghiên cứu mạnh nhất và lực lượng cán bộ y tế trên cả hai lĩnh vực để điều trị cho bệnh nhân”. Wang cũng nhấn mạnh: “Trung y cũng được sử dụng để phòng ngừa và kiểm soát Covid-19 tại tuyến y tế cơ sở” [5].
Luo H. và cộng sự trong bài báo “Liệu có thể dùng Trung y để ngăn ngừa Covid-19? Tổng quan các tài liệu kinh điển, các chứng cứ khoa học và chương trình phòng chống hiện nay” [6] cho biết việc sử dụng y học cổ truyền để ngăn ngừa dịch bệnh đã được ghi nhận trong Hoàng Đế Nội Kinh (Huang Di Nei Jing) 99 - 26 trước Công Nguyên. Trong đại dịch Covid-19 có 23 tỉnh, thành phố Trung Quốc áp dụng chương trình điều trị bằng Trung y trên nguyên tắc “bổ khí” (qi tonification) để ngăn ngừa tác nhân gây bệnh từ bên ngoài, khu phong, hạ nhiệt và trừ thấp. Các dược liệu thường được sử dụng gồm: Radix astragali (Huangqi: Hoàng kỳ), Radix glycyrrhizae (Gancao: Cam thảo), Radix saposhnikoviae (Fangfeng: Phòng phong), Rhizoma Atractylodis Macrocephalae (Baizhu: Bạch truật), Lonicerae Japonicae Flos (Jinyinhua: Kim ngân hoa) và Fructus forsythia (Lianqiao: Liên kiều). 
Hoàng kỳ, Phòng phong và Bạch truật là những vị thuốc nổi tiếng hay gặp trong các thang thuốc Trung y có tác dụng khu phong đã được sử dụng trong đại dịch SARS ở Trung Quốc [6]. 
Theo trang tin Nhà quan sát (Guancha.cn) “Phương án Thượng Hải” phân loại bệnh nhân Covid-19 thành bốn loại: nhẹ, trung bình, nặng và nguy kịch. “Phương án Thượng Hải” đặc biệt đề cập đến kế hoạch điều trị kết hợp giữa y học cổ truyền Trung Quốc và phương Tây và chỉ ra rằng Đông Tây y kết hợp có thể nâng cao hiệu quả trong điều trị Covid-19. “Phương án Thượng Hải” do 18 chuyên gia y học hàng đầu soạn thảo nhằm tăng tỷ lệ điều trị lâm sàng và giảm tỷ lệ tử vong của bệnh nhân, ngăn chặn sự tiến triển của bệnh và giảm dần tỷ lệ bệnh nhân nặng.
Phác đồ điều trị Trung Tây y kết hợp được coi là giải pháp hiệu quả, giúp cải thiện đáng kể các triệu chứng của người bệnh
Nhóm chuyên gia điều trị lâm sàng Covid-19 của Thượng Hải tuân theo phác đồ điều trị Covid-19 trên toàn quốc, liên tục tối ưu hóa và hoàn thiện hướng dẫn điều trị trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm điều trị của các đối tác trong và ngoài nước từ những đặc điểm bệnh học, dịch tễ học và đặc điểm lâm sàng. Sự đồng thuận của chuyên gia được hình thành trên ba phương diện đặc trưng: lâm sàng, chẩn đoán và điều trị. 
“Phương án Thượng Hải” đặc biệt mô tả cụ thể phác đồ điều trị Trung y kết hợp Tây y. Đối với bệnh nhân là người lớn, tình trạng có thể được cải thiện thông qua điều trị Trung y. Đối với những bệnh nhân bình thường, có thể gia giảm điều trị bằng các bài thuốc Trung y truyền thống như “Đạt Nguyên Ẩm” và “Cam Lộ Tiêu Độc Đan”” để giúp kiểm soát sự tiến triển của bệnh ở một mức độ nhất định và làm hạn chế bệnh chuyển sang tình trạng nặng. Đối với chứng chán ăn, buồn nôn, trướng bụng, mệt mỏi, lo lắng, mất ngủ v.v. điều trị bằng Trung y có thể cải thiện đáng kể các triệu chứng. Đối với bệnh nhân nặng, nếu sốt kéo dài, thậm chí sốt cao, đầy hơi, phân khô và bí tiểu tiện, dùng trung dược có thể giảm sốt, khỏi bệnh hoặc giảm thiểu quá trình chuyển từ tình trạng nặng sang nguy kịch.
Cam thảo được sử dụng trong hầu hết các bài thuốc điều trị
Trong công trình do Jun-Ling-Ren và cộng sự đăng tải trên tạp chí Pharmacological Research [7] cho thấy có 4 công thức thuốc sắc (decoction) tỏ ra có công dụng gồm có: “Quingfe Paidu” (Thanh phế bài độc), “Gancaoganjiang” (Cam thảo can giáng), “Sheganmahuang” (Xạ can ma hoàng) và “Qingfei Touxie Fuzheng” (Thanh phế thủ tiết phù chính). Trong cả 4 công thức nói trên đều có vị thuốc Cam thảo. 
Công thức “Quingfe Paidu” được coi là công thức Số 1 sử dụng ở Quảng Đông gồm có: Ma hoàng (Ephedrae Herba), Chích Cam thảo (Glycyrrhizae Radix et Rhizoma Praeprata cum Melle), Khổ hạnh nhân (Armeniacae Semen Amarum), Thạch cao (Gypsum Fibrosum), Nhục quế (Cinnamomi Ramulus), Trạch tả (Alismatis Rhizoma), Trư linh (Polyporus), Bạch truật (Atractylodis Macrocephalae Rhizoma), Phục linh (Poria), Sài hồ (Bupleuri Radix), Hoàng cầm (Scutellariae Radix), Bán hạ chế với gừng và phèn chua (Pinelliae Rhizoma Praepratum cum Zingibere et Alumine), Can khương (Zingiberis Rhizoma Recens), Tử uyển (Asteris Radix et Rhizoma), Khoản đông hoa (Farfarae Flos), Xạ can (Belamcandae Rhizoma), Tế tân (Asari Radix et Rhizoma), Tỳ giải (Dioscoreae Rhizoma), Chỉ thực (Aurantii Fructus Immaturus), Thanh bì (Citri Reticulatae Pericarpium) và Hoắc hương (Pogostemonis Herba). 
Văn phòng Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc và Văn phòng Cục Trung y Trung Quốc cũng khuyến cáo các bệnh viện sử dụng cho tất cả bệnh nhân Covid-19 công thức “Thanh phế giải độc thang” (Qing Fei Jie Du Tang) gồm có 20 vị dược liệu trong đó có Ma hoàng, Khổ hạnh nhân, Chỉ xác, Gừng và Hạt mùi…
Việt Nam vốn có nền y học cổ truyền lâu đời và phong phú, hiểu rõ “thể tạng” của người Việt, có nhiều kiến thức và kinh nghiệm trong phòng chống các bệnh “ôn dịch” và bệnh “thời khí”. Liệu các chuyên gia y học cổ truyền Việt Nam có thể đóng góp được gì cho việc phòng chống “đại dịch Covid-19” hiện nay?
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Damian Garde, How fast can biotech come up with a vaccine for the latest outbreak? STAT, January 24, 2020 https://www.statnews.com/2020/01/24/how-fast-biotech-vaccine-coronavirus/
[2] Nicoletta Lanese, Researchers fast-track coronavirus vaccine by skipping key animal testing first, Live Science, 15 March, 2020
[3] WHO, SARS: Clinical trialson treatment using a combination of TCM and WM, 2004, https://apps.who.int/medicinedocs/en/d/Js6170e/14.html
[4] Leung PP. C. et al., The efficacy of Chinese medicine for SARS: a review of Chinese publications after the crisis, Am. J. Chin. Med., 2007, 35 (4), 575-581
[5] The EconomicTimes, Feb 15, 2020, More than half of coronavirus cases in Hubei treated with traditional Chinese medicine: Official
https://economictimes.indiatimes.com/news/international/world-news/more-than-half-of-coronavirus-cases-in-hubei-treated-with-traditional-chinese-medicine official/articleshow/74148776.cms?utm_source=contentofinterest&utm_medium=text&utm_campaign=cppst
[6] Luo H. et al, Can Chinese Medicine Be Used for Prevention of Corona Virus Disease 2019 (COVID-19)? A Review of Historical Classics, Research Evidence and Current Prevention Programs. , Chin J Inter Med, 2020 Feb 17. doi: 10.1007/s11655-020-3192-6
[7] Jun-Ling- Ren et al, Pharmacological Research, Vol 155, May 2020, 104747.
https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S1043661820307556?via%3Dihub
PGS.TS Lê văn Truyền - Chuyên gia cao cấp Dược học
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Nghiên cứu - Sản xuất